Trong cuộc sống cũng như công việc giao tiếp đóng vai trò cốt lõi giúp mọi người thấu hiểu nhau và là nền tảng tạo dựng được những mối quan hệ cho bản thân mỗi người. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách giao tiếp tốt, trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc các loại hình giao tiếp phổ biến nhất hiện nay. Cùng theo dõi nhé!
Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người và người thông qua ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ. Giao tiếp là sự xác lập và vận hành các mối quan hệ giữa người và người, hoặc giữa người và các yếu tố xã hội nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định.
Giao tiếp bao gồm hàng loạt yếu tố, như trao đổi thông tin, xây dựng chiến lược hoạt động phối hợp, tri giác và tìm hiểu người khác. Tương ứng với các yếu tố trên thì giao tiếp có 3 khía cạnh chính: giao lưu, tác động qua lại và tri giác.
>> Xem thêm: Tổng hợp các nguyên tắc khi giao tiếp đạt hiệu quả
Giao tiếp có nhiều chức năng. Có thể chia các chức năng của giao tiếp ra làm hai nhóm: các chức năng thuần túy xã hội và các chức năng tâm lí – xã hội.
Các chức năng thuần túy xã hội là các chức năng giao tiếp phục vụ các nhu cầu chung của xã hội hay của một nhóm người. Ví dụ, khi bộ đội kéo pháo, họ cùng hô lên với nhau: “hò dô ta nào” để điều khiển, thống nhất cùng hành động để tăng thêm sức mạnh của lực kéo. Như vậy, giao tiếp có chức năng tổ chức, điều khiển, phối hợp hoạt động lao động tập thể. Giao tiếp còn có chức năng thông tin, muốn quản lí một xã hội phải có thông tin hai chiều, từ trên xuống, từ dưới lên và cả thông tin giữa các nhóm, tập thể…
Các chức năng tâm lí – xã hội của giao tiếp là các chức năng phục vụ nhu cầu của từng thành viên trong xã hội. Con người có đặc thù là luôn có giao tiếp với người khác. Cô đơn là một trạng thái tâm lí nặng nề. Bị “cô lập” với cộng đồng, bạn bè, người thân…có thể nảy sinh trạng thái tâm lí không bình thường, nhiều khi dẫn tới tình trạng bệnh lí. Chức năng này của giao tiếp gọi là chức năng nối mạch (tiếp xúc) với người khác.
Như vậy, giao tiếp giúp cho con người thực hiện các quan hệ liên nhân cách. Nghĩa là mỗi thành viên hòa nhịp vào nhóm, coi nhóm là mình, mình là nhóm. Nhóm ở đây hiểu theo nghĩa rộng, từ hai người đến một cộng đồng lớn.
Có nhiều cách phân loại giao tiếp theo những căn cứ khác nhau:
1. Dựa vào nội dung tâm lý của giao tiếp, người ta phân ra:
Giao tiếp nhằm thông báo những thông tin mới.
Giao tiếp nhằm thay đổi hệ thống động cơ và giá trị.
Giao tiếp nhằm động viên, kích thích hành động.
2. Dựa vào đối tượng hoạt động giao tiếp, người ta chia ra:
Giao tiếp liên nhân cách (giữa 2 – 3 người với nhau).
Giao tiếp xã hội: là giao tiếp giữa một người với một nhóm người (như lớp học, hội nghị…)
Giao tiếp nhóm: đây là loại hình giao tiếp đặc trưng cho một tập thể nhỏ liên kết với nhau bởi hoạt động chung và nó phục vụ cho hoạt động này.
3. Dựa vào tính chất tiếp xúc, ta có thể chia ra làm 2 loại:
Giao tiếp trực tiếp: là loại hình giao tiếp thông dụng nhất trong mọi hoạt động của con người, trong đó các đối tượng của giao tiếp trực tiếp gặp gỡ nhau và thường dùng ngôn ngữ nói và biểu cảm để truyền cho nhau những ý nghĩ và tình cảm của mình.
Giao tiếp gián tiếp: là hình thức thông qua một phương tiện trung gian khác như thư từ, sách báo, điện thoại…
4. Dựa vào hình thức của giao tiếp, chúng ta có:
Giao tiếp chính thức là loại giao tiếp diễn ra khi cá nhân cùng thực hiện một nhiệm vụ chung theo quy định như: làm việc ở cơ quan, trường học… Giao tiếp chính thức là giao tiếp giữa hai người hay một số người đang thực hiện một chức trách nhất định. Vì vậy còn gọi là giao tiếp chức trách. Phương tiện, cách thức của loại giao tiếp này thường tuân theo những quy ước nhất định, có khi được quy định hẳn hoi, thậm chí được thể chế hóa.
Giao tiếp không chính thức là giao tiếp giữa những người đã có quen biết, không chú ý đến thể thức mà chủ yếu sử dụng ý riêng của những người tham gia giao tiếp. Đây còn gọi là giao tiếp ý. Nói cụ thể hơn, hai người nói chuyện thân mật với nhau, khi họ đã hiểu ý đồ của nhau, biết mục đích, động cơ của nhau. Đó là những câu chuyện riêng tư. Họ không chỉ thông báo cho nhau một thông tin gì đó, mà muốn cùng nhau chia sẻ thái độ, lập trường đối với thông tin đó. Mục đích của giao tiếp loại này là để đồng cảm, chia ngọt sẻ bùi với nhau.
5. Dựa vào thế tâm lý giữa hai bên trong giao tiếp, chúng ta có thể chia giao tiếp ra thành 3 kiểu: giao tiếp ở thế mạnh, giao tiếp ở thế yếu và giao tiếp ở thế cân bằng. Thế tâm lý tức là vị thế tâm lý giữa hai người trong quan hệ giao tiếp, nó nói lên ai mạnh hơn ai về mặt tâm lý. Thế tâm lý của một người đối với một người khác chi phối những hành vi trong giao tiếp của họ. Chẳng hạn, khi chúng ta giao tiếp với bạn bè trong lớp (là ở thế cân bằng) sẽ có những hành vi, cử chỉ, tư thế khác so với khi chúng ta giao tiếp với một người giám đốc trong cuộc phỏng vấn xin việc làm (khi mà chúng ta ở thế yếu).
6. Căn cứ vào phương tiện giao tiếp ta có ba loại: giao tiếp vật chất, giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp tín hiệu.
Giao tiếp vật chất diễn ra khi người ta giao tiếp với nhau bằng hành động với vật thể. Giao tiếp vật chất bắt đầu có ở trẻ cuối một tuổi, đầy hai tuổi, khi trẻ cùng chơi với đồ chơi hay một vật thể nào đó với người lớn. Các hành động thực hiện ở trẻ em thuộc lứa tuổi đó có chức năng vận động biểu cảm, như để tỏ ý muốn với lấy đồ vật hay bò về phía đồ chơi v.v…
Giao tiếp tín hiệu: Ngôn ngữ là một loại tín hiệu nên chính giao tiếp ngôn ngữ là một loại giao tiếp tín hiệu. Ngoài ra người ta còn dùng các loại tín hiệu khác để giao tiếp, như cách ăn mặc, cử chỉ, nét mặt… ở đây giao tiếp có một nội dung và hình thức khác phát triển, rất ăn ý với nhau theo những tín hiệu mà người ta đã thống nhất ý và nghĩa của các tín hiệu đó. Có tình huống giao tiếp tín hiệu còn hiệu quả hơn cả giao tiếp ngôn ngữ. Khi hai người ăn ý với nhau thì có khi ngôn ngữ trở nên thừa. Dân gian phương Tây còn nói: Im lặng là vàng bạc, im lặng là đồng ý. Im lặng đáng quý và để hiểu ý nhau.
Trong quá trình giao tiếp xã hội không có sự phân cực giữa bên phát và bên nhận thông tin, cả hai đều là chủ thể tích cực, luôn đổi vai cho nhau. Các chủ thể giao tiếp là những nhân cách đã được xã hội hóa, do vậy các hệ thống tín hiệu thông tin được họ sử dụng chịu sự chi phối của các qui tắc chuẩn mực xã hội trong một khung cảnh văn hóa xã hội thống nhất. Đồng thời, mỗi cá nhân là một bản sắc tâm lý với những khả năng sinh học và mức độ trưởng thành về mặt xã hội khác nhau. Như vậy, giao tiếp có một cấu trúc kép, nghĩa là giao tiếp chịu sự chi phối của động cơ, mục đích và điều kiện giao tiếp của cả hai bên có thể mô tả như sau:
Cấu trúc kép trong giao tiếp
Động cơ của S1 —> Hoạt động giao tiếp <— Động cơ của S2
Mục đích của S1 —> Hành động giao tiếp <— Mục đích của S2
Điều kiện của S1 —> Thao tác giao tiếp <— Điều kiện của S2
Trong quá trình giao tiếp hai người luôn tự nhận thức về mình, đồng thời họ cũng nhận xét, đánh giá về phía bên kia. Hai bên luôn tác động và ảnh hưởng lẫn nhau trong giao tiếp và có thể mô hình hóa như sau:
Khi A và B giao tiếp với nhau, A nói chuyện với tư cách A’ hướng đến B”, B nói chuyện với tư cách B’ hướng đến A”; trong khi đó, A và B đều không biết có sự khác nhau giữa A’, B’, A”, B” với hiện thực khách quan của A và B; A và B không hề biết về A”, B” hay nói cách khác là không hay biết về về sự đánh giá nhận xét của bên kia về mình. Hiệu quả của giao tiếp sẽ đạt được tối đa trong điều kiện có sự khác biệt ít nhất giữa A-A’-A” và B-B’-B”.
Qua bài viết trên đây Unica đã đưa đến bạn đọc những thông tin chi tiết về các loại hình giao tiếp cơ bản. Hi vọng mang lại nhiều hữu ích cho bạn đọc.
>> Xem thêm: Nguyên nhân giao tiếp kém hiệu quả